Chánh án TANDTC

Chánh án TANDTC
NGUYỄN HÒA BÌNH

Bài phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trước Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương)

- Kính thưa

                 - Kính thưa: Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương!

                 - Thưa toàn thể các đồng chí!

Thực hiện yêu cầu của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, ngày 04/02/2012 Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao đã có báo cáo số 10-BC/BCS báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về một số nội dung cơ bản tổng kết Hiến pháp và đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên quan đến tổ chức, hoạt động của hệ thống Toà án nhân dân.

Tuy nhiên, báo cáo nói trên được xây dựng trong quá trình Toà án nhân dân tối cao đang chỉ đạo toàn ngành tiến hành tổng kết việc thực hiện các quy định của Hiến pháp theo Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23/8/2011 của Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên các đánh giá, đề xuất chưa được toàn diện và một số nội dung cũng cần được làm rõ thêm. Thông qua kết quả 02 cuộc hội thảo lấy ý kiến trong toàn ngành và các chuyên gia của một số cơ quan hữu quan được Toà án nhân dân tối cao tổ chức trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, tôi xin phát biểu bổ sung một số vấn đề sau:

1. Về vị trí, vai trò của Toà án trong thực hiện quyền lực Nhà nước

Vị trí, vai trò của Toà án trong thực hiện quyền lực nhà nước phụ thuộc vào các quy định của Hiến pháp về tổ chức, phân công thực hiện quyền lực nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần tiếp tục khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam; đồng thời quán triệt Cương lĩnh năm 1991(bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng thì cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó, cùng với việc tiếp tục ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4, thì cần sửa đoạn 2 Điều 2 Hiến pháp hiện hành là: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Mặt khác, mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, nhưng việc nhận diện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các quy định của Hiến pháp đối với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước chưa được thể hiện rõ ràng. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm rõ nội hàm các quyền  lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời phân công rành mạch, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Theo đó:

+ Với việc xác định nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, Quốc hội là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra thì cần tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Còn về chức năng, nhiệm vụ thì Quốc hội thực hiện quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy để khẳng định quyền lực của nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình, còn chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội chỉ là chức năng thực hiện một nhánh của quyền lực nhà nước (quyền lập pháp) và việc thực hiện chức năng này của Quốc hội cũng có sự phối hợp, chế ước và kiểm soát của các cơ quan nhà nước khác.

+ Đối với Chính phủ, nên bỏ quy định “ Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội” mà khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, vì bản chất của quyền hành pháp đã bao hàm việc chấp hành và triển khai thực hiện các Luật đã được Quốc hội thông qua, cũng như các Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (với tính chất là cơ quan thường trực của Quốc hội).

+ Đối với quyền tư pháp (phán quyết), chỉ có Toà án là cơ quan duy nhất nhân danh nhà nước để ra phán quyết đối với các hành vi vi phạm, các tranh chấp và một số vấn đề pháp lý khác, do đó cần khẳng định Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Liên quan tới quyền tư pháp, Hiến pháp hiện hành chưa xác định rõ về quyền tư pháp mà tại Chương X chỉ quy định chung về “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân”. Khi đã xác định chức năng của Toà án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp thì cũng cần xác định rõ chức năng của Viện kiểm sát.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng nên chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, với chức năng duy nhất là thực hiện quyền công tố và đưa về Chính phủ. Thực tiễn hoạt động tư pháp trong thời gian qua cho thấy, với mô hình tố tụng hiện nay thì nếu quy định như vậy là chưa phù hợp, vì nếu Viện kiểm sát chuyển thành Viện công tố, thì như kinh nghiệm của các nước, Viện công tố phải có chức năng chỉ đạo hoạt động điều tra một cách toàn diện, tức là đưa ra yêu cầu điều tra, chỉ đạo hoạt động điều tra và chịu trách nhiệm về kết luận điều tra. Ở nước ta hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân cũng đã có những quyền hạn nhất định liên quan tới hoạt động điều tra, như phê chuẩn các lệnh bắt tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra…., tuy nhiên cơ quan điều tra lại tương đối độc lập trong hoạt động tố tụng và ra kết luận điều tra. Mặt khác, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà còn trong cả quá trình giải quyết các loại án khác như dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính. Ở đây cần phân biệt chức năng giám sát của Quốc hội với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Việc giám sát của Quốc hội chỉ mang tính chất giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của một hệ thống cơ quan và thường không đi vào từng trường hợp cụ thể; còn chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát là kiểm sát trực tiếp quá trình giải quyết từng vụ án cụ thể. Thực tế hiện nay cho thấy, vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát công tác xét xử nói riêng của Viện Kiểm sát nhân dân là cần thiết, quan trọng và hiệu quả.. Chính vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi thì chức năng của Viện kiểm sát nên giữ nguyên như hiện nay là “thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”. Vấn đề đặt ra là quy định của về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát sẽ đặt ở chương nào của Hiến pháp. Về vấn đề này có hai phương án:

Thứ nhất, giữ nguyên tên gọi của Chương X “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân” nhưng cần quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hai hệ thống cơ quan này (quyền tư pháp của Toà án nhân dân và quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân).

Thứ hai, đưa các quy định về chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát sang Chương quy định về các thiết chế độc lập, bao gồm: Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân và Hội đồng Hiến pháp (Hội đồng bảo hiến).

Trong đó, dù theo phương án nào thì vẫn cần khẳng định Toà án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lực tư pháp

2. Về các quy định của Hiến pháp liên quan tới Toà án

Liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Toà án trong Hiến pháp, việc sửa đổi Hiến pháp cần thể hiện được một số nội dung chủ yếu sau:

- Khẳng định Toà án là hệ thống cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, chức năng của Toà án là phán quyết đối với các hành vi vi phạm, các tranh chấp và các vấn đề pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

- Về nhiệm vụ của Toà án cần thể hiện ngắn gọn, nhưng đảm bảo tính khái quát cao, phù hợp với yêu cầu Hiến pháp là đạo luật gốc. Theo đó nên quy định : “Toà án nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của tập thể; bảo vệ quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật”.

- Quán triệt và thể chế hoá quan điểm của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra về tổ chức hệ thống Toà án 04 cấp là: Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực; Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Toà án nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân tối cao.

- Với tính chất là một hệ thống cơ quan thực hiện một bộ phận (nhánh) quyền lực của nhà nước, cần quy định ngay trong Hiến pháp về cơ chế phân bổ ngân sách hoạt động của Toà án. Theo đó, ngân sách hoạt động của Toà án sẽ do Chánh án Toà án nhân dân tối cao (hoặc Toà án nhân dân tối cao) trao đổi, thống nhất với Thủ tướng Chính phủ (hoặc Chính phủ) để trình Quốc hội phê chuẩn.

- Để đảm bảo địa vị pháp lý của chức danh Thẩm phán tương xứng với nhiệm vụ được giao, cần quy định ngay trong Hiến pháp: Chủ tịch nước là người bổ nhiệm Thẩm phán.

- Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, để đảm bảo tính độc lộc của Thẩm phán thì cần quy định nhiệm kỳ Thẩm phán dài hơn so với quy định trong Luật Tổ chức Toà án hiện nay. Về vấn đề này có ba phương án:

+ Thứ nhất, tất cả Thẩm phán Toà án các cấp đều bổ nhiệm suốt đời;

+ Thứ hai, nhiệm kỳ Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực là 10 năm, còn Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân cấp cao thì nhiệm kỳ là suốt đời;

+ Thứ ba, nhiệm kỳ Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân cấp cao là suốt đời; còn Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực bổ nhiệm lần đầu với nhiệm kỳ 5 năm, sau đó sẽ xem xét lại và bổ nhiệm suốt đời.

Vấn đề nhiệm kỳ của Thẩm phán có thể xem xét quy định ngay trong Hiến pháp hoặc để Luật Tổ chức Toà án quy định.

- Sửa đổi quy định của Hiến pháp về nguyên tắc “xét xử tập thể và quyết định theo đa số” theo hướng “Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định như vậy để phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Toà án hiện nay, vì thực tiễn xét xử của ngành Toà án nhân dân cho thấy, có những vụ án chứng cứ rõ ràng, đơn giản, có giá ngạch thấp, cần được giải quyết, xét xử nhanh chóng, kịp thời và có thể chỉ do một Thẩm phán giải quyết, xét xử là được. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và có thể nghiên cứu để áp dụng tại Việt Nam.

- Chế định về luật sư cần ghi nhận trong Hiến pháp, đồng thời bổ sung quy định về luật sư công, nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội, đảm bảo thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, chế định này không nên quy định trong Chương về Toà án.

- Tiếp tục khẳng định Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam; Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Toà án nhân dân và Toà án quân sự; đồng thời nghiên cứu để quy định thẩm quyền quyết định giám đốc thẩm của Toà án nhân dân tối cao và Toà án cấp cao có giá trị chung thẩm. Điều đó có nghĩa rằng quyết định của cấp giám đốc thẩm sẽ không chỉ là “phá án” để điều tra, xét xử lại như hiện nay mà quyết định giám đốc thẩm cũng sẽ có nội dung giải quyết đối với những vụ án mà tài liệu chứng cứ đã rõ ràng (đủ căn cứ pháp luật để ra phán quyết mà không cần thiết phải huỷ để điều tra xét xử lại), nội dung giải quyết trong quyết định giám đốc thẩm các vụ án đó sẽ có hiệu lực thi hành ngay nếu không bị Toà án cấp trên hoặc Hội đồng Hiến pháp xem xét lại. Đây cũng chính là lý do Toà án nhân dân tối cao đề nghị không nên ghi nhận nguyên tắc hai cấp xét xử trong Hiến pháp.

Riêng đối với “Toà án đặc biệt” thì không nên quy định Toà án nhân dân tối cao có chức năng giám đốc việc xét xử của “Toà án đặc biệt”, vì nếu xét thấy cần thiết phải thành lập, thì “Toà án đăc biệt” sẽ có cơ chế hoạt động riêng do Quốc hội quy định, Hội đồng xét xử và thủ tục tố tụng cũng có thể có tính chất “đặc biệt”, phù hợp với yêu cầu, mục đích của việc thành lập Toà án này.

- Cần quy định thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao trong việc phát triển án lệ. Theo đó, đối với những vấn đề chưa có quy định của pháp luật thì quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Uỷ ban Thẩm phán của các Toà án cấp cao sẽ có giá trị áp dụng bắt buộc đối với các Toà án cấp dưới.

- Tiếp tục quy định trong Hiến pháp thẩm quyền giải thích pháp luật là của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và bổ sung thêm một chủ thể là Toà án nhân dân tối cao được giải thích một số điều luật cụ thể thông qua việc xét xử các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm mà phát hiện điều luật đó chưa rõ ràng, cần giải thích để áp dụng pháp luật thống nhất.

- Về cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của Toà án, cần tiếp tục quy định: “Chánh án Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước”. Riêng quy định tại khoản 2 Điều 135 của Hiến pháp hiện hành “Chánh án Toà án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân” thì cần xem xét, quy định cho phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống Toà án 4 cấp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, cụ thể là: “Chánh án Toà án nhân dân địa phương có trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Như vậy sẽ phù hợp với Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra là: “Các Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực và Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của đảng bộ cấp tỉnh và sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Còn Chánh án Toà án nhân dân cấp cao sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nhưng vấn đề này không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Luật Tổ chức Toà án.

- Riêng về đề xuất bổ sung cụm từ “cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Toà án”, sau khi nghiên cứu chúng tôi thấy rằng không nên quy định nội dung này trong Hiến pháp vì trên thực tế có những vụ án về tôn giáo hoặc liên quan tới quan hệ nhiềutế có nhiều yếu tố phức tạp; công tác xét xử của Toà án không chỉ đảm bảo việc áp dụng đúng pháp luật mà cao hơn là còn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đối với những vụ án nói trên không thể không có những định hướng của Đảng đối với công tác xét xử của Toà án. Do đó, đối với Điều 130 chỉ nên quy định giữ nguyên như hiện nay “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là phù hợp.

Các bài viết khác

Bài phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trước Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp)   30/03/2012  
Bài phát biểu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại buổi trao quyết định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao   19/01/2012  
Bài phát biểu của đồng chí Trương Hòa bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội khóa XIII   03/08/2011  
Bài phát biểu của Chánh án Trương Hòa Bình tại Lễ trao tặng "Vì sự nghiệp Tòa án" cho đồng chí Khămmy Xaynhavông, nguyên Chánh án TAND Tối cao nước CHDCND Lào   06/07/2011  
Phát biểu kết luận và bế mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ 2 của Đồng chí Trương Hòa Bình, ủy viên Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao   24/01/2011  
Bài phát biểu khai mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ 2 của Đồng chí Trương Hòa Bình, ủy viên Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao   24/01/2011  
Ngành Tòa án nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện giai đoạn 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”   24/01/2011  
Bài diễn văn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010)   24/01/2011  
Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành tòa án nhân dân (13/9/1945 – 13/9/2010)   19/01/2011