URL: http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=275515573&p_details=1
 
Hồ Chí Minh với tư tưởng thượng tôn pháp luật
25/10/2019-04:35:00 PM
 
 Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ t

             Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

            Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta học được nhiều điều trong một xã hội pháp quyền, nhưng trước hết cần học tập tinh thần, phong cách thượng tôn pháp luật của Người. Vì nếu mỗi người trong chúng ta đều thượng tôn pháp luật thì trật tự xã hội được đảm bảo, cuộc sống sẽ tươi đẹp và góp phần tạo nên diện mạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

            Tư tưởng thượng tôn pháp luật của Hồ Chí Minh thể hiện trong quan niệm về vai trò của pháp luật trong xã hội và các quyền tự do, dân chủ của công dân. Khi vạch trần chế độ cai trị hà khắc, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp ở các nước thuộc địa, Người chỉ rõ: «Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp. Người An Nam thì không có hội đồng bồi thẩm, cũng không có luật sư người An Nam. Thường người ta xử án và tuyên án theo giấy tờ, vắng mặt bị cáo. Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người»[1]. Khi sống và làm việc tại Pháp, năm 1919 Người đại diện cho nhóm người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Véc-xây Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Trong số các yêu sách đó, đáng chú ý là yêu sách thứ bảy: Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng việc quản lý xã hội bằng pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn rất trú trọng đến việc thực thi quyền của con người. Trong lời mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đồng thời, để tăng thêm tính giá trị của lời khẳng định này, Người đã trích dẫn nội dung được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1971: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Bản Tuyên ngôn chỉ vỏn vẹn 49 câu với 1.010 chữ nhưng lại chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn, mang ý nghĩa sâu sắc. Bên cạnh sứ mệnh đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bản Tuyên ngôn còn có giá trị tinh thần cách mạng và nhân văn cao cả. Tư tưởng về quyền con người không chỉ dừng lại ở quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tư do và mưu cầu hạnh phúc, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bàn tới khía cạnh quyền con người phải được pháp luật bảo vệ. Bác dùng cụm từ « Tất cả mọi người… » có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì cụm từ đó thể hiện quan điểm rõ ràng là quyền con người không phân biệt giới tính, tôn giáo hay dân tộc.

            Bên cạnh đó, tư tưởng thượng tôn pháp luật của Hồ Chí Minh còn thể hiện trong quan điểm về nhà nước dân chủ là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp và quản lý xã hội theo pháp luật. Nội dung tư tưởng này được đề cập ở các tác phẩm của Người từ đầu thế kỷ XX và Nghị Quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII (11/1940) về việc ban bố một bản Hiến pháp dân chủ. Do đó, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, một trong 6 nhiệm vụ cơ bản của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp dân chủ. Bốn tháng sau đó, ngày 6 tháng giêng năm 1946, nước ta tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên chọn người tài, đức để gánh vác việc nước trong Quốc hội. Ngày 9/11/1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp năm 1946 mà Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo). Ngay trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp này đã nêu lên ba nguyên tắc cơ bản: a) Đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; b) Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; c) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Ba nguyên tắc này thể hiện rất rõ yêu cầu dân chủ và tinh thần pháp quyền trong chế độ nhà nước và đặc biệt không có người bóc lột người.

            Năm 1954 miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành đấu tranh thống nhất đất nước. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu về một bản hiến pháp mới. Do đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956) đã quyết định thành lập Ban sửa đổi hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Đến ngày 1/4/1959, bản Dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Ngày 18/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết trình trước Quốc hội về bản Dự thảo Hiến pháp trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp của  nhân dân và ngày 31/12/1959, Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua. Điều 6, Hiến pháp năm 1959 nêu rõ: Tất cả các nhân viên cơ quan nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Với tinh thần tối thượng của Hiến pháp như vậy, tất cả cán bộ, nhân dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, không một ai được đặt mình trên pháp luật hay ngoài pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đây cũng chính là sự đảm bảo cao nhất về mặt pháp luật của một nhà nước hợp pháp thể hiện trong tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh. Thông qua đó, quyền của công dân được bảo vệ và chủ quyền quốc gia được đảm bảo.

            Không chỉ coi trọng việc ban hành pháp luật, Hồ Chí Minh còn chăm lo đến việc tuyên truyền pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo điều kiện cho pháp luật được thi hành trong các cơ quan nhà nước và nhân dân. Tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959, Người nêu rõ: công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, không chỉ đề cao tinh thần pháp luật, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, mà còn coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người quản lý bằng pháp luật và thực thi pháp luật thực hiện cho đúng.

            Do đó, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ học tập tinh thần coi trọng pháp luật trong cuộc sống và làm việc, mà còn học tập Người cách dân vận để đưa pháp luật thực hành hiệu quả trong cuộc sống.

 

 

Phòng NCKH Tòa án



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t1, tr.420.


In Trang | Đóng cửa sổ