URL: http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=146486239&p_details=1
 
Một số yếu tố tâm lý trong quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi
11/03/2016-03:26:00 PM
 
 Ths
Ths. Nguyễn Thị Minh
Khoa Thẩm phán

Nghị Quyết 08/NQ-TW được ban hành ngày 02-01-2002 chúng ta nhận thấy các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 về bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo nói chung trong đó có bị can, bị cáo là người chưa thành niên dần dần được tôn trọng hơn. Đối tượng bị can, bị cáo, người bị tình nghi là người dưới tuổi 18, đây là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý, họ bị hạn chế về trình độ nhận thức cũng như về kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, khả năng tự kiềm chế chưa cao nên họ dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi phạm tội. Mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này chủ yếu là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để họ nhận ra sai lầm từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2011 quy định về phân công người tiến hành tố tụng. Theo đó, những người được phân công tiến hành tố tụng trong các vụ án này phải là những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên. Chính vì vậy, để đảm bảo quá trình TTHS diễn ra khách quan, công bằng và đảm bảo quyền lợi cho người bị cáo, bị can là người dưới 18 tuổi thì vấn đề đặt ra là người đại diên cơ quan TTHS phải được trang bị, đào tạo kiến thức về tâm lý học lứa tuổi với đối tượng dưới 18 tuổi phạm tội.

Tóm tắt: Bộ luật tố tụng hình sự; Trách nhiệm hình sự; Tố tụng hình sự

Người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi trái pháp luật hình sự bị coi là tội phạm, như vậy họ trực tiếp tham gia các quan hệ pháp luật trong lĩnh vự hình sự và tố tụng hình sự. Quan hệ này diễn ra vào thời điểm người dưới 18 tuổi chưa đủ trưởng thành về tâm sinh lý cũng như hiểu biết pháp luật. Các thủ tục tố tụng đặc biệt hết sức quan trọng để đảm bảo sự tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng thì các em được đối xử một cách thân thiện, công bằng, được tạo cơ hội và hướng dẫn để chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình, được tạo cơ hội tránh mắc phải sai phạm như vậy trong tương lai và có trách nhiệm chấp hành pháp luật. Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, nhất là những trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội. Để có thể kết luận người dưới 18 tuổi là người phạm tội thì cần phải có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Tòa án. Bản án là kết quả của một quá trình TTHS của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử người dưới 18 tuổi. Tất cả những hoạt động này ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự và đến tính khách quan, tính pháp lý của bản án. Do vậy, chính sách hình sự còn có nội dung là những nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo, quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi. Với lý do này, pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam đã có những quy định về thủ tục tố tụng đặc biệt dành cho người dưới 18 tuổi khi họ là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự. Những quy định này được quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 - một chương quy định về thủ tục tố tụng hình sự  áp dụng đối với đối tượng này. Cụ thể:

Những nguyên tắc tiến hành tố tụng với đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 414 BLTTHS 2015. Theo đó, để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho họ thấy rõ những sai phạm của mình và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội đòi hỏi những người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự có bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi bao gồm các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng phải là những người có trình độ, có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học lứa tuổi,  như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dưới 18 tuổi (Điều 415).  Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử những người tiến hành tố tụng cần phải xác định rõ:

Tuổi, trình độ phát triển về thể chất, tâm lý lứa tuổi; mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người xúi giục phạm tội; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Xác định rõ các yếu tố trên, thì người tiến hành tố tụng mới được cái nhìn toàn diện và chính xác về hành vi phạm tội của người chưa thành niên, từ đó đưa ra được các biện pháp, chế tài phù hợp.

Pháp luật hình sự có những quy định riêng mang tính nhân đạo dành cho người dưới 18 tuổi ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Có hai yêu cầu cơ bản khi điều tra người dưới 18 tuổi phạm tội là bắt buộc phải có người giám hộ và có luật sư tham gia ngay từ đầu tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 414 Bộ Luật TTHS 2015 như vậy trong quá trình điều tra cơ quan tiến hành tố tụng phải chú ý đến các thủ tục đặc biệt này. Cần quan tâm hơn đến quy cách làm việc và đối xử với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Muốn cho hoạt động tố tụng có hiệu quả đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi thì điều kiện cần trước tiên là những người tiến hành tố tụng phải nắm vững được những đặc điểm tâm lý lứa tuổi, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dưới 18 tuổi. Tại Điều 3 Công ước về quyền trẻ em có khẳng định mọi hành động liên quan tới trẻ em, và có bao gồm việc điều tra của cảnh sát tới trẻ em, các quyền lợi chính đáng của trẻ phải được xem xét đầu tiên. Là một bên ký kết công ước này, Việt Nam đồng ý cam kết thực hiện các luật và quy định đặc biệt áp dụng cho trẻ em vi phạm pháp luật(1). Tại Điều 415 Bộ luật TTHS 2015 đã quy định rõ người tiến hành tố tụng đới với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Hiện nay, ở Việt Nam đã có Tòa án chuyên trách xử lý những vụ án do người chưa thành niên phạm tội, điều này đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cải cách tư pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, do lượng án hình sự nói chung và án do người dưới 18 tuổi thực hiện nói riêng mỗi ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng thiếu đội ngũ chuyên trách giải quyết những loại án này. Do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện còn quá chung chung cho nên cơ quan tiến hành tố tụng chuyên giải quyết loại án này thực hiện còn hạn chế, vẫn theo thủ tục chung mà chưa chú ý đúng mức đến những thủ tục đặc biệt giành cho họ. Trong quá trình tố tụng cơ quan điều tra mới chỉ quan tâm đến mặt chứng cứ, xác định có việc phạm tội hay không, chưa thực sự quan tâm đến nghiên cứu nhân thân, điều kiện, môi trường giáo dục, hoàn cảnh phạm tội của người dưới 18 tuổi. Do chưa được trang bị những kiến thức về tâm lý học lứa tuổi nên trong quá trình hỏi cung bị can cơ quan tố tụng đã vô hình chung tạo nên cơ chế phòng vệ ở các em, trong quá trình tiếp xúc phát sinh tâm lý sợ hãi, căng thẳng sẽ làm giảm hiệu quả của quá trình tố tụng.

Những quy định pháp luật và thủ tục đặc biệt trong Bộ luật TTHS 2015 nhằm đảm bảo rằng người phạm tội dưới 18 tuổi được đối xử phù hợp với phẩm giá của họ, củng cố thái độ tôn trọng của các em đối với quyền con người và quyền tự do căn bản của người khác, cân nhắc đến độ tuổi và nguyện vọng của người phạm tội dưới 18 tuổi. Cơ quan tiến hành tố tụng trên nguyên tắc điều tra thân thiện và nhạy cảm với trẻ em, điều tra không tạo nên thêm gánh nặng đối với trẻ em. Các chính sách hình sự trong tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo chủ yếu là những quy định nhằm bảo đảm một cách tốt nhất quyền bào chữa cho đối tượng này, hạn chế một cách tối đa việc áp dụng những biện pháp cưỡng chế, hạn chế một cách thấp nhất những tác động không thể tránh khỏi về tâm lý đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên do hoạt động tố tụng hình sự gây ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc làm rõ những nguyên nhân điều kiện phạm tội của họ để Tòa án có thể xét xử và tuyên bản án có tác động tích cực nhất đến tâm lý của đối tượng này. Bộ luật hình sự 2015 thể hiện vai trò giáo dục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội, về mức độ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo dưới 18 tuổi nhẹ hơn so với bị can, bị cáo trên 18 tuổi. Những quy định trong pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam không chỉ thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật  trong nước mà còn phù hợp với văn bản pháp luạt quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia, ký kết. Trên đây là một số giải pháp, kiến nghị mà chúng tôi đưa ra nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng khi giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện. Tất cả những điều đó không nằm ngoài mục đích nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dưới 18 tuổi, giúp họ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi phạm tội phải được thực hiện ngay trong quá trình khởi tố, điều tra. Tuy nhiên, không phải người tiến hành tố tụng nào cũng nhận thức rõ điều đó. Xuất phát từ những vấn đề trên, yêu cầu đặt ra cần phải có chương trình đào tào, bồi dưỡng kiến thức tâm lý về đối tượng dưới 18 tuổi cho những người tiến hành tố tụng nhất là Thẩm phán để nâng cao hiệu quả cho quá trình TTHS. Chương trình bao gồm một số nội dung chủ yếu như sau: những đặc điểm tâm lý cơ bản về lứa tuổi 14 – 18; những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến quá trình hỏi cung bị can; kỹ năng xét xử của thẩm phán với đối tượng phạm tội là người dưới 18 tuổi. Những người đại diện cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội thì phải được đào tạo bồi dưỡng khóa học này mới được coi là đủ điều kiện tham gia tiến hành tố tụng. Đây chính là nguồn cán bộ sẽ làm công tác xét xử trong Tòa án chuyên biệt Hôn nhân gia đình và người chưa thành niên.  

Với những vấn đề đặt ra trên. Chúng tôi thiết nghĩ rằng Học viện Tòa án cn sớm xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tâm lý, kỹ năng cho Thẩm phán xét xử các vụ án có người dưới 18 tuổi đáp ứng được yêu cầu theo quy định pháp luật hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989)

2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015


In Trang | Đóng cửa sổ