URL: http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&item_id=141384808&p_details=1
 
Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý về tên thương mại, tên doanh nghiệp
02/02/2016-02:12:00 PM
 
 Phạm Quang Giảng viên Học viện T
Phạm Quang
Giảng viên Học viện Tòa án

Trong thời gian khá dài tại Việt Nam, thực trạng đăng ký kinh doanh diễn ra ở mỗi địa phương (mỗi tỉnh) đều do phòng đăng ký kinh doanh của địa phương đó quản lý mà không có sự quản lý phối hợp thống nhất trong toàn hệ thống nên xảy ra trường hợp cùng là một tên công ty nhưng có ở rất nhiều địa phương khác nhau. Xét về khía cạnh pháp luật đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 ra đời, tại khoản 2, Điều 129 quy định:“Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”. Chính từ quy định này mà hàng loạt các doanh nghiệp đăng ký trước đã cho rằng các doanh nghiệp đăng ký sau (tên trùng nhau) đã vi phạm pháp luật và sở hữu trí tuệ và yêu cầu thay đổi tên đăng ký kinh doanh. Các bên tranh chấp thường là từ các địa phương khác nhau. Đó là hệ lụy của việc quản lý tên doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo địa phương khác nhau mà không có sự thống nhất trong cả nước.

 

Thực trạng tranh chấp tên doanh nghiệp và tên thương mại hiện nay

Như vậy đã có hai luồng ý kiến trái chiều. Một ý kiến cho rằng mình đã sử dụng tên doanh nghiệp theo đúng đăng ký kinh doanh thì việc sử dụng đó phải được coi là hợp pháp, còn ý kiến thứ hai thì cho rằng doanh nghiệp không được sử dụng tên đó vì nó trùng với tên thương mại của họ đã đăng ký trước và được pháp luật bảo hộ.

Thực tế nêu trên đã khiến không ít các doanh nghiệp điêu đứng vì những quy định “có vẻ như” chưa rõ ràng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua thực tiễn nghiên cứu pháp luật về Sở hữu trí tuệ và Luật doanh nghiệp chúng tôi xin có ý kiến chia sẻ về vấn đề trên như sau:

Để giải quyết vấn đề trên, cần tìm hiểu các vấn đề pháp lý về tên doanh nghiệp, tên thương mại, sự khác nhau cơ bản giữa tên doanh nghiệp và tên thương mại là gì?

Thứ nhất, một số vấn đề pháp lý về tên doanh nghiệp?

Hiện nay chưa có một khái niệm pháp lý nào về tên doanh nghiệp, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, có thể hiểu như sau: tên doanh nghiệp là tên mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký với nhà nước về việc mình sẽ sử dụng tên doanh nghiệp đó trong hoạt động kinh doanh.

 

Đặt tên doanh nghiệp là việc đăng ký sẽ sử dụng tên đó trong hoạt động kinh doanh

Về cấu trúc của tên doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cấu trúc tên doanh nghiệp gồm loại hình doanh nghiệp và tên riêng.

Loại hình doanh nghiệp: gồm: “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Sử dụng tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Về Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp: Theo quy định tại  Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì:

+ Cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

+ Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ hai, một số vấn đề pháp lý về tên thương mại?

Theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: "Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dùng để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vưc và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng."

 

Tên thương mại có được trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên đó

Về cấu trúc: Tên thương mại gồm hai phần: phần mô tả và phần phân biệt (Khoản 1 Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

Về điều kiện bảo hộ đối với tên thương mại: Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. (Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Về khả năng phân biệt của tên thương mại: Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;

+ Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Các trường hợp không được bảo hộ đôi với tên thương mại:  Tên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh thì không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại (Điều 77 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).

Thứ ba, sự khác biệt cơ bản giữa tên doanh nghiệp và tên thương mại:

Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng: tên doanh nghiệp là tên có được trên cơ sở doanh nghiệp đăng ký sử dụng tên gọi đó; Tên thương mại là tên có được trên cơ sở doanh nghiệp sử dụng hợp pháp tên gọi đó. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa tên doanh nghiệp và tên thương mại.

 

Các doanh nghiệp cần sáng suốt khi đặt tên doanh nghiệp để tránh tiền mất tật mang

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Nghị định 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp cũng quy định rõ: “việc đăng ký tên gọi của tổ chức, các nhân kinh doanh trong thủ tục kinh doanh không được coi là sử dụng tên gọi đó mà chỉ là một điều kiện để việc sử dụng tên gọi đó được coi là hợp pháp”. Như vậy, có thể nói tên doanh nghiệp trở thành tên thương mại khi nó được sử dụng hợp pháp.

Trên thực tế, tên thương mại và tên doanh nghiệp thường trùng nhau.


In Trang | Đóng cửa sổ