URL: http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676824?pers_id=27677017&item_id=282666983&p_details=1
 
Hội nghị giảng viên kiêm chức Học viện Toà án khu vực miền Nam
20/09/2020-04:58:00 AM
 
Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 của Học viện Toà án, hoà chung không khí tưng bừng của những ngày tháng 9 lịch sử, kỷ niệm 75 năm Quốc Khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 75 năm ngày truyền thống Toà án nhân dân, ngày 19.9.2020, Học viện Toà án phối hợp với Toà án nhân dân phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giảng viên kiêm chức khu vực miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 của Học viện Toà án, hoà chung không khí tưng bừng của những ngày tháng 9 lịch sử, kỷ niệm 75 năm Quốc Khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 75 năm ngày truyền thống Toà án nhân dân, ngày 19.9.2020, Học viện Toà án phối hợp với Toà án nhân dân phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giảng viên kiêm chức khu vực miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác đào tạo lớp nghiệp vụ xét khoá 6, rút kinh nghiệm những điểm còn hạn chế và thống nhất công tác giảng dạy khoá 7 Đào tạo nghiệp vụ xét xử tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp gặp mặt, giao lưu để tăng cường sự gắn bó, đoàn kết của giảng viên kiêm chức khu vực miền Nam nói riêng và giảng viên Học viện Toà án nói chung.

Tới dự Hội nghị, về phía Học viện Toà án có Đ/c Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Toà án; Đ/c Đặng Quang Dũng, Trưởng khoa Khoa Đào tạo Thẩm phán, Đ/c Lê Hữu Du, Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Khảo thí. Về phía TAND TP Hồ Chí Minh, có Đ/c Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TPHCM, Đ/c Trịnh Ngọc Thuý, Phó Chánh án TAND TPHCM và Đ/c Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án TAND TPHCM. Đặc biệt, Hội nghị có sự hiện diện của hơn 30 giảng viên kiêm chức Học viện Toà án khu vực miền Nam, đang công tác tại TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, TAND 2 cấp TPHCM, TAND tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Đồng Nai.


Giảng viên kiêm chức khu vực miền Nam tham dự Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được trong khoá 6 Đào tạo nghiệp vụ xét xử, Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế và những nội dung chủ yếu cần thảo luận, thống nhất để nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ xét xử khoá 7 tại TP. Hồ Chí Minh bao gồm các nội dung chính: Lịch giảng, giáo trình, hồ sơ tình huống, thực hành diễn án và phương pháp giảng dạy.

Tại buổi Hội nghị, các giảng viên đã rất tích cực phát biểu ý kiến đóng góp dựa trên quá trình thực tế giảng dạy. “Về lịch học, cần sắp xếp giảng viên chính, giảng viên thay thế để tránh sự xáo trộn khi giảng viên có lịch bận; liên tục cập nhật các quy định của pháp luật trong giáo trình, giáo án; hồ sơ tình huống cần được chọn lọc đa dạng hơn, trình Hội đồng khoa học của Học viện Toà án phê duyệt; đề thi nên có sự phân loại học viên. Về thực hành diễn án, ngoài việc truyền đạt kiến thức theo hồ sơ tình huống, giảng viên nên chú ý truyền đạt kỹ năng, cách sử dụng ngôn ngữ để rèn luyện phong thái, bản lĩnh của Thẩm phán. Cuối cùng là thực hành viết bản án, Học viện nên đúc kết, ban hành những mẫu bản án chi tiết hơn đối với những loại án cụ thể, để học viên có thể dễ dàng áp dụng khi làm việc trên thực tế.” - TS. Lê Hoàng Tấn, Thẩm phán cao cấp TAND cấp cao HCM tâm huyết chia sẻ.


TS. Lê Hoàng Tấn, Thẩm phán cao cấp TAND cấp cao HCM

chia sẻ tại Hội nghị

Cùng quan điểm với TS. Lê Hoàng Tấn, ThS. Trịnh Ngọc Thuý, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, giảng viên cần chủ động chuẩn bị bài giảng chu đáo, chia sẻ nhiều kiến thức thực tiễn tới học viên ngoài nội dung giáo trình do Học viện Toà án cung cấp, đồng thời đề nghị Học viện Toà án sớm hoàn thiện giáo trình để giảng viên thống nhất giảng dạy.


ThS. Trịnh Ngọc Thuý, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh

phát biểu ý kiến

Ngoài những nội dung trên, TS. Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cũng trao đổi nhiều nội dung cần thống nhất trong dạy và học; đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với phần thực hành diễn án nên quy định mỗi phiên diễn án, học viên đều phải tự đặt tình huống thực tế có thể phát sinh tại phiên toà và giải quyết, đưa ra tiêu chí cộng điểm cụ thể để khuyến khích học viên nhằm rèn luyện phản xạ và tránh sự nhàm chán. Ngoài ra, nên nghiên cứu mời thêm học viên đang được đào tạo luật sư, kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp, Đại học kiểm sát hoặc Đại học Luật Hồ Chí Minh cùng tham gia diễn án để tăng tính thực tế, tư duy và ý kiến trái chiều cho phiên toà và học viên có nhiều cơ hội học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và thực nghiệm điều hành tranh tụng. Học viện cần qui định chi tiết các tiêu chí đánh giá hoạt động diễn án để giáo viên, học viên triển khai thực hiện.

Đồng chí cũng góp ý thêm về việc bổ sung một số chuyên đề tố tụng điện tử trong học phần tin học, liên hệ nhiều tình huống thực tế sau mỗi chuyên đề lí thuyết, tổ chức các buổi toạ đàm, ngoại khoá để học viên có cơ hội nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Học viện Toà án nên có các buổi họp chuyên môn, có thể là họp trực tuyến để thống nhất quan điểm để học viên có định hướng trong việc kiểm tra, đánh giá cũng như vận dụng nội dung đào tạo vào thực tế nghề nghiệp sau này. Đồng chí đề nghị Học viện Tòa án cũng quan tâm xây dựng các chương trình đào tạo chuyên gia đầu ngành cho hệ thống Tòa án. Ngoài ra, Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ cử cán bộ của Phòng Tổ chức - Cán bộ phối hợp với Học viện Toà án trong công tác quản lý lớp học và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ khóa học.


TS. Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều

giải pháp thiết thực trong công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử khoá 7

Sau nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi của giảng viên tham dự Hội nghị, đồng chí Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Toà án thay mặt Ban Giám đốc Học viện Toà án gửi lời cảm ơn tới toàn thể thầy, cô đã nhiệt tình tham gia giảng dạy khoá 6 và tham dự đông đủ tại Hội nghị. Đồng chí cũng thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2020 -2025, trong đó chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán, trọng tâm là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới lề lối tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại là một trong ba trụ cột mang tính đột phá của hệ thống tòa án. Đặc thù của đào tạo tư pháp rất phức tạp, bao trùm không chỉ các kiến thức pháp luật mà còn là hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa giúp cán bộ có chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án có đủ năng lực và kỹ năng giải quyết tốt công việc thuộc thẩm quyền của tòa án, do đó sự nghiệp đào tạo Thẩm phán là công việc chung của toàn hệ thống Tòa án, đặc biệt là phải có sự tham gia tích cực của các Thẩm phán nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia đang giữ các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống Tòa án. Đồng chí bày tỏ quan điểm đồng tình với những ý kiến phát biểu rất xác đáng của giảng viên và sẽ tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo và hi vọng lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử khoá 7.2 tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra tốt đẹp, đạt được đúng mục đích, đảm bảo chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh cho những Thẩm phán tương lai.


Đ/c Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Toà án

kết luận Hội nghị

Tin: Hoàng Ngọc

In Trang | Đóng cửa sổ