URL: http://hocvientoaan.edu.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676824?pers_id=27677017&item_id=280263813&p_details=1
 
Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về chống phân biệt đối xử”
22/05/2020-07:07:00 PM
 
Với mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên của Học viện Tòa án, đặc biệt là các giảng viên trẻ có cơ hội được nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sáng ngày 21/5/2020, Khoa Đào tạo Đại học - Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về chống phân biệt đối xử”.
Với mục đích nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên của Học viện Tòa án, đặc biệt là các giảng viên trẻ có cơ hội được nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sáng ngày 21/5/2020, Khoa Đào tạo Đại học - Học viện Tòa án tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về chống phân biệt đối xử”.

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Tòa án có các đồng chí Phó Giám đốc Học viện Tòa án: PGS.TS. Dương Tuyết Miên, ThS. Phạm Như Hưng và đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng của Học viện cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Tòa án. Về phía khách mời, có TS. Nguyễn Văn Điệp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tòa án, TS. Lại Văn Trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà nẵng, TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, ThS. Nguyễn Quang Hòa, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.


PGS.TS. Dương Tuyết Miên, Phó Giám đốc Học viện Tòa án,

phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Dương Tuyết Miên chia sẻ, phân biệt đối xử là hiện tượng tiêu cực của đời sống xã hội và hệ lụy của phân biệt đối xử là rất lớn. Nó có thể gây hại cho cá nhân, cũng như nhóm cá nhân về quyền bất khả xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền chính đáng khác của con người. Cùng với tiến trình của lịch sử, các phong trào đấu tranh bảo vệ quyền con người ngày càng lớn mạnh. Các quốc gia và cộng đồng quốc tế đều đưa ra những giải pháp, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ quyền con người, chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay vấn đề phân biệt đối xử vẫn đang là vấn đề rất nóng ở các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chính vì vậy, Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về chống phân biệt đối xử” là rất cần thiết, bắt kịp với xu thế của thời đại.


TS. Nguyễn Văn Điệp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tòa án,

phát biểu tại hội thảo


TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh,

phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, một số giảng viên trẻ đã trình bày báo cáo tham luận với các vấn đề như: “Pháp luật Việt Nam chống phân biệt đối xử về giới, bản dạng giới và xu hướng tình dục”; “Tổng quan pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền con người và chống phân biệt đối xử”; “Pháp luật Việt Nam chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật”,… Các báo cáo tham luận đều được đánh giá cao, nhận được nhiều sự chia sẻ, góp ý từ các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trước khi hội thảo khép lại, PGS.TS. Dương Tuyết Miên nhấn mạnh, những chia sẻ, đóng góp, của các đại biểu tham dự hội thảo đã cung cấp thêm những góc nhìn mới của pháp luật về chống phân biệt đối xử, góp phần không nhỏ vào thành công của Hội thảo. Đồng chí cũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới các đại biểu và toàn thể cán bộ, giảng viên tham dự Hội thảo.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tin: Huế Dương

In Trang | Đóng cửa sổ