Nhớ mùa thu cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp luật

Hàng năm, khi mùa thu về, nhân dân ta không một ai là không nhớ đến sự kiện “Tổng khởi nghĩa tháng Tám” giành chính quyền về tay nhân dân cùng với bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới rằng: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Ngày 02 tháng 9 năm ấy đã trở thành ngày Quốc khánh và cùng với bản Tuyên ngôn độc lập là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và có tên trên bản đồ thế giới. Tháng 9 còn được nhớ mãi không nguôi với ngày mà “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” để tiễn biệt Bác Hồ kính yêu của chúng ta về với “Các Mác, Lênin - Thế giới người hiền”.

Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời của Người chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân với một niềm ham muốn tột bậc là “làm cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân tộc ta ai cũng được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đối với Bác, pháp luật là của nhân dân và để phục vụ nhân dân. Pháp luật đồng nghĩa với tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng được bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc: yêu nước, thương dân, giàu lòng nhân ái. Người quan niệm các quyền tự do, công lý gắn liền với quyền dân tộc là quyền không ai có thể xâm phạm. Điều này được thể hiện sâu sắc trong Bản Tuyên ngôn độc lập được Bác Hồ tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình với lời mở đầu bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người cũng viện dẫn câu mở đầu nổi tiếng của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Song, ở Bác đã không lấy nền dân chủ tư bản làm khuôn mẫu cho Nhà nước Việt Nam non trẻ trong ngày đầu độc lập (1945). Người nói: suy rộng ra câu nói ấy có nghĩa là “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Với Bác, những yêu cầu cơ bản của con người đòi hỏi pháp luật và Nhà nước phải bảo đảm. Người thấy không thể có bình đẳng giữa những kẻ bóc lột và người bị bóc lột, không thể có tự do ở những người dân mất nước và không thể có bác ái từ bàn tay của kẻ cướp nước.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của con đường Cách mạng do Bác Hồ lựa chọn; là thắng lợi của Đảng Cộng sản Việt Nam do chính Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Khi chính quyền đã thực sự về tay nhân dân, Bác Hồ trở thành vị Chủ tịch nước và việc đầu tiên của Người là chỉ đạo việc soạn thảo và thông qua Hiến pháp.

Sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 cùng nhiều văn bản pháp luật khác do Bác trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo đã đáp ứng được yêu cầu của công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong thời kỳ này, góp phần thực hiện thành công hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954) và đế quốc Mỹ (1954- 1975) và chính từ thắng lợi đó đã thể hiện đầy đủ các yêu cầu của một Nhà nước pháp quyền Việt Nam lúc bấy giờ. Các bản Hiến pháp đã ghi nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; quy định rõ về chế độ chính trị, kinh tế và tổ chức bộ máy Nhà nước, các quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp là nền tảng pháp lý qua đó triển khai các quyền tự do, dân chủ, xóa bỏ các đặc quyền, đặc lợi. Những tư tưởng công bằng, độc lập, tự do luôn là tư tưởng thể hiện bản chất của pháp luật phục vụ nhân dân mà Người hằng mong muốn. Bác luôn tạo ra những mẫu mực cho mọi người lựa chọn hành vi của mình sao cho phù hợp với lẽ phải, bảo đảm công bằng, tự do, dân chủ của nhân dân.

Những quan điểm của Bác Hồ về bản chất của pháp luật Nhà nước ta thể hiện quan điểm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc và chính những quan điểm tư tưởng này đã hướng cho Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, là cơ sở pháp lý cho sự đổi mới của Đảng trong giai đoạn Cách mạng hiện nay, là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời là nền tảng vững chắc để tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Tháng 9 - mùa thu Cách mạng lại về, ý chí, tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta càng thêm gắn quyện vào nhau, đoàn kết tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới ngày càng đi lên của đất nước. Nhớ Bác- Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, mỗi chúng ta nguyện thực hiện hoài bão của Người trước lúc đi xa là: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng thế giới”.

Trịnh Thị Chung - TAND tỉnh Hưng Yên

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133 - Fax :
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Quyền Trưởng Ban biên tập: Phạm Quốc Hưng - Chánh Văn phòng - TANDTC.

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 184/GP-TTÐT của Bộ thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.

Bản quyền thuộc Trung tâm tin học Tòa án nhân dân tối cao