Thư viện tài liệu
Bình luận khoa học Bộ Luật lao động
 Bộ luật Lao động đầu tiên của Vi

Bộ luật Lao động đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 1994 khẳng định “Lao động là hoạt động quan trọng nhất tạo nên của cải vật chất và tinh thần cho xã hội”. Đó là một khẳng định mang tính tuyên ngôn, chứa đựng triết lý quan trọng về con người, sự lao động của con người, cho chúng ta thêm quý trọng lao động, người lao động, tự hào về sự lao động cống hiến của bản thân qua năm tháng đối với gia đình, xã hội và rộng hơn là đối với nhân loại. Theo P. Ăng Ghen thì không có lao động đồng nghĩa với không có con người và xã hội loài người.

Lao động mang tính xã hội là hình thức lao động được tổ chức ở tầm cao, vượt khỏi tầm của lao động gia đình và các hình thức tổ chức bậc thấp khác. Quan hệ lao động công nghiệp dần trở thành loại quan hệ kinh tế - xã hội có vai trò quan trọng bậc nhất, quyết định sự phát triển xã hội. Chính các quan hệ lao động công nghiệp mà người ta vẫn gọi là “quan hệ công nghiệp (Industrial Relations) trở thành đối tượng chủ yếu nhất của luật lao động. Trong thời đại phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế, toàn cầu hoá, nhất là toàn cầu hoá quan hệ lao động, luật lao động càng ngày càng có vai trò quan trọng, trở thành lĩnh vực điều chỉnh pháp luật đặc thù bảo vệ người lao động, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động; xác định các tiêu chuẩn lao động, nguyên tắc vận hành và tổ chức quản lý lao động. Từ đó, tạo dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.

Từ năm 1994 Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động đầu tiên của nước ta. Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 nhằm đáp ứng yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ lao động và các quan hệ có liên quan chặt chẽ với quan hệ lao động, năm 2012 Quốc hội XIII, kỳ họp thứ 3 đã nhất trí thông qua Bộ luật Lao động mới. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng bậc nhất, có tính khái quát cao, tổng hợp các vấn đề quan trọng nhất về quan hệ lao động, các

nguyên tắc, tiêu chuẩn và điều kiện lao động, phục vụ cho việc xác lập, duy trì mối quan hệ lao động; xác định quyền, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan kể cả Nhà nước trong lĩnh vực lao động. Có thể nói, Bộ luật Lao động là sự tổng quát nhất về quy tắc lao động là hưởng thụ hợp pháp trong xã hội công nghiệp, do đó rất cần thiết đối với mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và Nhà nước

Hiểu biết thấu đáo về các quy định của pháp luật lao động nói chung, của Bộ luật Lao động nói riêng chính là sự giác ngộ về quyền, lợi ích của bản thân, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hiểu rõ, hiểu sâu các quy định mang tính nguyên lý, khái quát cao của Bộ luật Lao động là một sự không mấy dễ dàng. Cuốn Bình luận khoa học Bộ luật Lao động của nhóm tác giả có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn về luật lao động biên soạn trên cơ sở phân tích, bình luận sâu từng điều luật, giải thích từ ngữ phù hợp với quy định có tính chuyên ngành thuộc lĩnh vực pháp luật lao động rất dễ hiểu. Nội dung và hình thức của cuốn sách có thể đáp ứng mọi đối tượng đọc giả, nhất là người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ Công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước… có liên quan đến việc thực hiện luật lao động; các sinh viên, nhà khoa học có quan tâm đến việc học tập nghiên cứu pháp luật lao động.

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc !

(7/1/2021)

Ý kiến góp ý
Họ và tên:
Địa chỉ mail của bạn:
Tiêu đề:
Chọn file: