Học viện Toà án tổ chức Lớp bồi dưỡng Kiến thức quản lý hành chính, nhà nước cho cán bộ, công chức hành chính
Untitled 1
Tham gia giảng dạy có PGS.TS. Phạm Minh Tuyên - Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Minh Sử - Phó Giám đốc Học viện; TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Khoa Thẩm tra viên, Thư ký toà án; TS Nguyễn Văn Nam - Trưởng Khoa Đào tạo Đại học và hơn 150 học viên là cán bộ, công chức các cấp tại thị xã Quế Võ tham gia lớp bồi dưỡng.
Đồng chí Đặng Văn Tuấn - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ
phát biểu Khai giảng lớp bồi dưỡng.
Hiện nay, các vụ án về tranh chấp dân sự, khiếu nại, khiếu kiện hành chính ngày càng đa dạng, phức tạp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai với nhiều hành vi vi phạm tinh vi, phức tạp. Do đó, Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính, nhà nước cho cán bộ, công chức hành chính được tổ chức có ý nghĩa quan trọng giúp cán bộ công chức cấp huyện, xã nhận diện đầy đủ, chính xác hành vi để có hướng xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Đặng Văn Tuấn - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Quế Võ chia sẻ tại lễ Khai giảng lớp bồi dưỡng.
PGS.TS. Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Toà án trình bày chuyên đề
“Những vi phạm hình sự trong lĩnh vực quản lý đất đai”.
Tại lớp bồi dưỡng, đối với chuyên đề “Những vi phạm hình sự trong lĩnh vực quản lý đất đai”, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân và có ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Thời gian qua, các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động chủ yếu: Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…) Thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm trễ trong trả tiền đền bù…). Quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền… Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (không tương thích với các quy định khác; thường xuyên bị điều chỉnh…).
Nhân dịp này, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên đã phân tích về các hành vi phạm tội liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai đã được đưa ra xét xử trong thời gian qua tại Bắc Ninh và trên cả nước giúp học viên nhận diện và tránh những sai sót trong quá trình hoạt động cũng như tham mưu cho lãnh đạo trong lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương.
TS. Nguyễn Minh Sử - Phó Giám đốc Học viện Toà án trình bày chuyên đề tại lớp bồi dưỡng.
Đặc biệt, chuyên đề “Kỹ năng ban hành văn bản hành chính và quyết định hành chính Quy trình ban hành văn bản” đây là một trong những nội dung quan trọng giúp giảm thiểu tối đa những sai sót đáng tiếc trong việc ban hành văn bản, quyết định hành chính nói chung và lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng. TS. Nguyễn Minh Sử đã cung cấp đến những học viên các nguyên tắc quan trọng từ thể thức trình bày, nội dung truyền đạt trong quá trình ban hành văn bản, quyết định hành chính.
Để văn bản, quyết định hành chính đạt chất lượng cao, không phải chỉnh sửa hoặc bị thu hồi, các bước trong quá trình xây dựng văn bản phải được thực hiện nghiêm từ soạn thảo văn bản, duyệt bản thảo văn bản, kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành văn bản và cuối cùng ký ban hành văn bản. Trong đó, mỗi thành viên tham gia quá trình ban hành văn bản, quyết định hành chính cần đề cao trách nhiệm của bản thân, người đứng đầu đơn vị soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật về nội dung văn bản; người được giao trách nhiệm kiểm tra thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trước pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản.
TS. Nguyễn Thanh Hải Phó Trưởng Khoa Thẩm tra viên, Thư ký toà án.
Trong chuyên đề “Tranh chấp đất đai ở địa phương và các kỹ năng cơ bản của công chức khi tiếp nhận, xử lý tình huống tranh chấp”, TS. Nguyễn Thanh Hải đã giới thiệu những kỹ năng giải thích, thuyết phục, hướng dẫn các bên tự thoả thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn về vấn đề hoà giải cơ sở khi giải quyết tranh chấp mà đối tượng là quyền sử dụng đất.
Thuyết phục các bên tự nguyện thoả thuận, giải quyết tranh chấp, đòi hỏi hoà giải viên phải có kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực tranh chấp, từ đó vận dụng đồng thời kiến thức pháp luật và đạo đức xã hội để thuyết phục giúp các đối tượng hiểu rõ vấn đề. Ngoài ra, trong quá trình hoà giải, hoà giải viên cần xây dựng không khí gần gũi, tin tưởng và tôn trọng đối tượng, như vậy các đối tượng sẽ lắng nghe ý kiến của hoà giải viên; đồng thời, hoà giải viên cần phải kiên trì thuyết phục các bên, không được nôn nóng đối với những đối tượng ngoan cố, để giải quyết tranh chấp từng bước.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng.
Đối với chuyên đề “Khiếu nại và khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai” TS. Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, khiếu nại, khiếu kiện hành chính về quản lý đất đai xảy ra khá phổ biến, phức tạp trong giải quyết tranh chấp tại Toà án nhân dân. Thực tiễn cho thấy, những kiến thức pháp luật và kỹ năng áp dụng pháp luật của các đương sự trong vụ án, đặc biệt là của đội ngũ cán bộ tham mưu, thực thi pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai chưa thực sự được chuyên sâu. Qua chuyên đề này, TS. Nguyễn Văn Nam đã cung cấp những kiến thức về điều kiện khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai… giúp học viên hiểu được đặc điểm, phạm vi và những vấn đề đặc thù trong giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính về đất đai; kỹ năng áp dụng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
Trong hai ngày diễn ra lớp bồi dưỡng, các giảng viên tại Học viện Toà án đã truyền đạt những vấn đề quan trọng được đúc kết, có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn đến cán bộ cấp huyện, xã trong quá trình thực thi công vụ, nhằm phục vụ người dân trong lĩnh vực quản lý đất đai được tốt hơn./.