Hội thảo khoa học “Phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo của Học viện Tòa án” tại TP. Cần Thơ
Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 do JICA tài trợ, ngày 28/7, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Tòa án và Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân Tối cao đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo về “Phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo của Học viện Tòa án”.
Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án, ông TSUKAHARA Masanori, chuyên gia dài hạn JICA và ông SAKAMOTO Tatsuya, nguyên Thẩm phán, giảng viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Minh Sử, Phó Giám đốc Học viện Tòa án; một số lãnh đạo cấp Khoa, Phòng của Học viện Tòa án và nhiều Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân các tỉnh phía Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện Tòa án đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các chuyên gia Nhật Bản trong việc phối hợp với phía Việt Nam triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Dự án.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuyên nêu rõ Nghị Quyết 27 của Trung ương xác định và định hướng tiếp tục lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp Tòa án để từng bước Tòa án phải mang tính độc lập, nâng cao nhiệm vụ của Tòa án và bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và người dân. Để đạt được mục tiêu đó, hệ thống Tòa án phải không ngừng nâng cao chất lượng bồi dưỡng, nghiệp vụ bảo đảm nguồn Thẩm phán sẵn có và đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống Tòa án cho tương lai. Do đó, Lãnh đạo Học viện Tòa án rất chú trọng xây dựng chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy tại Học viện. Đồng chí chia sẻ một số ý kiến về tăng cường năng lực cho giảng viên Học viện Tòa án, nội dung giảng dạy. Đồng thời nhấn mạnh, mỗi giảng viên phải luôn tự mình nghiên cứu và tích cực trong học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Thẩm phán cao cấp, Giám đốc Học viện
Tòa án phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Anh Thư, Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán, Học viện Tòa án đề cập đến Chương trình đào tạo nghiệp vụ của Học viện Tòa án hiện nay - Một số hạn chế và giải pháp hoàn thiện. Trong đó khẳng định, kể từ khi thành lập cho đến nay, Học viện Tòa án luôn chú trọng đến công tác đào tạo các chức danh tư pháp và đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị thì nhiều vấn đề và yêu cầu đổi mới đang được đặt ra trước mắt cũng như lâu dài. Do đó, hoạt động xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo nghiệp vụ của Học viện Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay.
ThS. Nguyễn Anh Thư, Trưởng Khoa đào tạo Thẩm phán
phát biểu tại Hội thảo
Ông Sakamoto Tatsuya, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhật Bản, hiện là giảng viên Vụ Hợp tác Quốc tế, Viện nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản chia sẻ về mô hình đào tạo nguồn Thẩm phán ở Nhật Bản, bồi dưỡng nguồn Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư đến khi trở thành Thẩm phán và mô hình đào tạo thường xuyên (kể từ khi trở thành Thẩm phán).
Hiện nay, ở Nhật Bản có 34 trường đào tạo Luật trên cả nước, trong đó có 15 trường quốc lập, 02 trường công lập và 17 trường tư thục. Những thí sinh có nguyện vọng trở thành Thẩm phán, Công tố viên hoặc Luật sư, sau khi thi đỗ kỳ thi tư pháp chung, trải qua thời gian tập sự tư pháp chung tại Viện đào tạo Tư pháp và thi đỗ kỳ thi tốt nghiệp, sẽ đủ điều kiện để trở thành Thẩm phán, Công tố viên hoặc Luật sư.
Sau khi được bổ nhiệm, các Thẩm phán được bố trí tại các Tòa án khu vực của từng địa phương. Trở thành thành viên của Hội đồng xét xử dân sự hoặc hình sự và nhận được hướng dẫn từ các Thẩm phán lâu năm trong ngành.
Ông Sakamoto Tatsuya, nguyên Thẩm phán, giảng viên Vụ Hợp tác
Quốc tế, Viện nghiên cứu và Đào tạo, Bộ Tư pháp Nhật Bản
phát biểu tại Hội thảo
Sau 5 năm kể từ khi được bổ nhiệm, họ có thể giải quyết vụ việc một cách độc lập. Trong vòng 10 năm sau khi được bổ nhiệm, khoảng 2-3 năm lại có một lần chuyển vị trí công tác.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đã tích cực thảo luận, đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo cũng như hoạt động xét xử của Tòa án để cùng trao đổi, rút ra những bài học kinh nghiệm chung.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Tuyên khẳng định, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, những chia sẻ và ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy tại Học viện Tòa án; mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục phát triển các hoạt động hợp tác với tổ chức JICA ngày càng thành công và hiệu quả.